Thanh Hóa luôn được biết đến là một vùng đất anh hùng, địa linh nhân kiệt. Cùng với hàng loạt các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Suối Cá Thần Cẩm Lương, Thành Nhà Hồ hay đền Đồng Cổ….đều được xếp hạng vào những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ khi đến với Xứ Thanh.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn được biết đến là một vùng đất có những lễ hội hết sức phong phú và đa dạng. Với hàng trăm lễ hội để tôn vinh lịch sử, con người, tín ngưỡng và tôn giáo. Các lễ hội đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc, muôn màu cho Xứ Thanh. Và rồi, nền văn hóa nhỏ bé này hòa mình cùng với nền văn hóa Việt Nam để tạo nên một nền văn hóa dân tộc phong phú, đủ đầy. Hãy cùng chúng tôi khám phá 7 lễ hội Xứ Thanh nổi tiếng nhất nhé.
Mục lục
Lễ hội Xứ Thanh – Lễ hội Bà Triệu, Hậu Lộc
Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày 20 – 23/02 âm lịch hàng năm. Được tổ chức tại xã Triệu Lộc – Hậu Lộc – Thanh hoá. Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh – người có câu nói đầy khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ. Chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”.
Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng. Đặc biệt là lễ Mộc dục – ngày tốt thường được chọn để hành lễ là 18, 19/022 âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng. Tiếp đó là lễ tế Phụng Nghinh có ý nghĩa mời vua Bà cùng lục bộ triều đình; hội đồng các quan; thánh tổ bách gia về trong ngày huý kỵ Vua Bà. Riêng đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội “Ngô, Triệu giao quân”
Trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có Hội trận. Khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của bà. Hát chầu văn – hình thức âm nhạc truyền thống quen thuộc trong các lễ hội tâm linh của người Việt.
Lễ hội Xứ Thanh – lễ hội Mai An Tiêm
Đền thờ Mai An Tiêm nhỏ nhắn đơn sơ tọa lạc tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Tương truyền đây là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm xưa kia. Hằng năm nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để tướng nhớ Mai An Tiêm vào ngày 12 – 14/03 âm lịch. Thể hiện lòng biết ơn người đã có công khai phá mở mang bờ cõi. Thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng.
Phần Lễ của lễ hội nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh bao gồm các hoạt động: Rước kiệu, dâng hương, lễ tế.
Ngoài ra, phần hội vui chơi cũng thu hút rất nhiều người bởi sự phong phú, hoành tráng. Màn nghệ thuật sân khấu hóa, có ý nghĩa sâu sắc. Tái hiện lại các phân cảnh trong câu chuyện Mai An Tiêm: bị khép tội phản nghịch; thả trôi những quả dưa hấu; được minh oan, đoàn viên… và cuối cùng là tri ân Người.
Lễ hội Mai An Tiêm được đánh giá là một lễ hội văn hóa, lịch sử giàu truyền thống. Lễ hội tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối cũng như tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông. Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Lễ hội Xứ Thanh – lễ hội đền Sòng – ngày Thánh Mẫu hạ giới
Đền Sòng Sơn thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Là một trong những nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong Tứ bất tử của người Việt Nam từ xa xưa. Hàng năm người dân xứ Thanh tổ chức ngày Thánh Mẫu hạ giới – lễ hội đền Sòng vào các ngày 10 – 26/02 âm lịch. Trong đó ngày 25 là chính hội. Ngày chính hội diễn ra từ 5h sáng – khoảng 12 giờ trưa cùng ngày. Điểm nhấn là lễ rước Thánh Mẫu từ Đền Sòng đến Đền Chín Giếng và tế nữ quan.
Thủ tục của lễ hội được quản lý và đặt theo một quy định nhất định. Vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt. Một số địa phương dâng thêm bánh chưng, bánh răng bừa; bánh nếp, bánh mật, bánh trôi. Với tấm lòng thành kính, người dân cầu xin Mẫu ban cho nhiều may mắn.
Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước Sầm Sơn
Du lịch Thanh Hóa đầu năm, du khách thường tới 3 địa điểm: Cửa Đạt – Phủ Na – Sầm Sơn. Đặc biệt tới thăm “Mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”.
Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước thường diễn ra vào ngày 16/01 hàng năm là lễ hội mở đầu cho một mùa du lịch Sầm Sơn và cũng là mở đầu chuỗi các hoạt động Văn hóa – Thể thao – Du lịch hàng năm tại Thanh Hóa. Lễ hội tiêu biểu cho phong tục cầu Thánh – Thần – Trời – Đất phù hộ cho quốc thịnh dân an, cầu cho nhân dân gặp nhiều thuận lợi trong lao động sản xuất, may mắn, bình yên trong cuộc sống.
Bắt đầu một trong những lễ hội nổi tiếng nhất xứ Thanh này, người dân thực hiện nghi lễ rước kiệu về sân đền Độc Cước, tiếp đó tiến hành làm lễ cầu phúc, lễ tế tôn ty – vừa mang ý nghĩa biểu hiện tấm lòng thành kính đối với bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện ước mong của người dân Sầm Sơn trong năm mới.
Phần hội diễn ra ngay sau đó với các hoạt động thể dục – thể thao, vui chơi giải trí như: thi vật dân tộc, đánh cờ người, hát múa dân gian….
Lễ hội góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh nét văn hóa tâm linh, biểu thị sự trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống hàng ngàn đời của ông cha ta để lại.
Lễ hội Lam Kinh
Lam Kinh là tên lễ hội lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, diễn ra từ 21 – 23/08 âm lịch hàng năm nhằm ngày giỗ vua Lê Thái Tổ; địa điểm tổ chức là khu di tích Lam Sơn, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Xưa kia, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua Lê Thái Tổ, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ, nhân dân địa phương mở hội để tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc này.
Lễ hội Lam Kinh gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội, cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời Lê.
Sau lễ dâng hương tưởng niệm tại đền thờ là phần hội. Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra như múa cờ; múa đèn chạy chữ, biểu diễn võ cổ truyền; múa cồng chiêng… Tất cả nhằm tái hiện các sự kiện trọng đại: Hội thề Lũng Nhai; Lê Lai cứu chúa; giải phóng thành Đông Quan; Vua Lê Thái Tổ đăng quang; Phát huy hào khí Lam Sơn…
Trong khuôn khổ lễ hội, các trò diễn truyền thống nổi tiếng và mang đậm nét văn hóa của xứ Thanh. Như trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh; dân ca sông Mã đều được trình diễn. Các hoạt động thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương. Và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo; chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên… khiến cho lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt và đủ để nhận được sự quan tâm của du khách ở mọi lứa tuổi.
Lễ hội Xứ Thanh – lễ hội Phủ Na, Như Thanh
Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ. Nằm dưới chân dãy ngàn nưa thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Cách TP.Thanh Hóa 30km. Nơi đây gắn liền với lịch sử bà Triệu Thị Trinh dấy binh đánh đuổi giặc ngoại xâm Đông Ngô (năm 248). Phủ bao gồm: đền thờ Cô Ba; đền thờ Đức Ông (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam); đền thờ Nguyệt Nga Thánh Mẫu gồm ba toà nhà lợp ngói mũi hài liền thông với nhau; đền thờ Chúa Thượng và đền thờ cô Chín.
Lễ hội Phủ Na được tổ chức hai lần trong năm. Trong đó đầu năm ghé đền Độc Cước không thể không qua ghé vào Phủ Na tham gia lễ hội. Lần tổ chức đầu tiên này sẽ kéo dài từ tháng giêng đến hết tháng hai âm lịch. Ngoài ra còn có lần hai từ ngày 01 – 15/08 âm lịch.
Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian, các nghi thức cúng tế mang đặc điểm tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện đậm nét. Đền thờ Nguyệt Nga Thánh Mẫu, cách đền Đức Ông 50m là khu vực chính diễn ra lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội, rất đông khách thập phương về đây dâng hương, lễ bái, cầu tài, cầu lộc… Một trong những lễ hội nổi tiếng nhất xứ Thanh này là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt mỗi độ Tết đến xuân về.
Ngoài phần lễ, các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi trò diễn dân gian cũng được tổ chức góp phần làm sinh động cho lễ hội.
Lễ hội Xứ Thanh – lễ hội Lê Hoàn
Lễ hội Lê Hoàn diễn ra hàng năm từ ngày 7 – 9/03 âm lịch. Tại thôn Trung Lập xã Xuân Lập – Thọ Xuân (Thanh Hoá). Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức hoành tráng, với quy mô cấp tỉnh, nhằm tưởng nhớ tới vua Lê Đại Hành – Người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981. Với một ý nghĩa xuyên suốt là “uống nước nhớ nguồn”. Phần lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Hoàn và các tướng lĩnh.
Sau lễ mít tinh kỷ niệm là màn nghệ thuật sân khấu hóa. Nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn; chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi; xây dựng nền an ninh – quốc phòng vững mạnh; phát triển toàn diện kinh tế; văn hóa, xã hội… Những việc làm thuận lẽ trời, hợp lòng dân của nhà vua Lê Đại Hành đã góp phần làm rạng rỡ trang sử chống giặc ngoại xâm. Xây dựng đất nước của dân tộc ta.
Đồng thời, đã tái hiện một trong những sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đánh dấu giờ khắc lên ngôi của vị anh hùng dân tộc: Thái hậu Dương Vân Nga khoác Hoàng bào lên vai vị Thập đạo tướng quân tài ba. Trong lễ hội “Trại binh thời Lê Hoàn” sẽ được các làng văn hóa tiêu biểu huyện Thọ Xuân tái hiện lại. Ngoài ra, còn có diễn tích cày ruộn;, để ghi nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian; hoạt động thể dục – thể thao khác, như thi đấu vật dân tộc; bóng chuyền, cờ tướng, kéo co…
Nguồn: Luhanhvietnam.com.vn